5 Quan điểm sai lầm của người đời về đạo Phật

Đạo Phật là đạo Từ bi, đạo Trí Tuệ. Đóng góp của đạo Phật cho đạo đức xã hội là điều không ai có thể phủ nhận được; dù ở bất kỳ tôn giáo, giáo phái, khuynh hướng tư tưởng nào. Tuy vậy, trong cuộc sống, vẫn không ít người còn có những quan điểm sai lầm về đạo Phật. Dưới đây là một số quan điểm sai lầm đó.

1. Đức Phật là vị thần linh có thể ban phước giáng họa cho con người.

Đây là một sai lầm rất căn bản dễ thấy ở một số người; kể cả những người Phật tử đến chùa nhưng chưa có điều kiện học tập, tìm hiểu giáo lý nhà Phật.
Sai lầm này có thể khiến cho người ta có những hành động thiếu chuẩn mực trong thực hành tôn giáo của Phật. Chẳng hạn như vì cho đức Phật là vị thần linh; có thể ban phước giáng họa, nên người ta đến chùa khấn vái; cầu xin đức Phật ban cho họ mọi thứ trong khi bản thân họ không nỗ lực tạo nên các điều kiện cần và đủ để cho sự mong muốn đó trở thành hiện thực. Vì không hội đủ các điều kiện cần thiết nên những mong muốn của họ thường không thể xảy ra. Trong trường hợp đó, họ dễ dàng mất niềm tin nơi đức Phật, nơi Pháp, nơi Tăng, thậm chí từ bỏ, phỉ báng Phật pháp.
Đức Phật không phải là vị thần linh. Đức Phật là một con người lịch sử, một nhân cách lịch sử. Ngài từ bỏ mọi vương quyền, phú quý và gia đình hạnh phúc để dấn thân vào con đường tìm kiếm chân lý. Trải qua nhiều năm, bằng phương pháp thiền định, Ngài đã giác ngộ, trở thành Phật.

2. Đạo Phật là đạo mê tín.

Hoàn toàn không phải như vậy. Bản chất của đạo Phật không bao giờ là đạo mê tín. Đạo lấy từ bi, trí tuệ làm đầu; lấy sự chuyển hóa thân tâm làm mục tiêu hướng tới đời sống an lạc; giải thoát cho bản thân và tha nhân. Trong quá trình hướng tới mục tiêu ấy; đạo Phật luôn khuyến khích người Phật tử hãy cân nhắc; thẩm sát mọi vấn đề trước khi tin và thực hành theo con đường mà mình lựa chọn.

3. Đạo Phật là đạo bi quan, yếm thế.

Đây là một sai lầm phổ biến nhất khi đánh giá về đạo Phật. Có ít nhất hai nguyên nhân dẫn đến sai lầm này.
Thứ nhất:
Vì đạo Phật nhận định cuộc đời là khổ đau, bất toại nguyện. Thánh đế thứ nhất trong Tứ thánh đế của đạo Phật là Khổ đế, tức chân lý về sự khổ khẳng định cuộc đời là khổ đau, bất toại nguyện. Trong nhiều bản kinh, đức Phật cũng cho thấy; cuộc đời là một chuỗi các sự kiện khổ đau như thế.
Thứ hai:
Trong khi phản ánh quan điểm của đạo Phật về cuộc đời; các tác phẩm văn học, nghệ thuật cũng thường chú trọng tới phương diện này; tức cho rằng đạo Phật xem cuộc đời là bể khổ. Ngay cả một số các vị thầy, các vị sư cô trong chùa; khi hướng dẫn Phật tử tu học cũng quá say sưa trọng việc chứng minh cuộc đời là khổ đau; bất như ý, bất toại nguyện. Điều đó khiến cho người ta có cảm tưởng rằng đạo Phật nhìn nhận cuộc đời bằng đôi mắt bi quan, yếm thế.
Trong khi đó, theo lời dạy của đức Phật, khổ đau, bất toại nguyện chỉ là một phương diện của đời sống. Bên cạnh khổ, đức Phật cũng nói tới an vui, hạnh phúc đích thực, tức Diệt khổ hay Niết-bàn. Đó là trạng thái dập tắt mọi ảo tưởng, tham, sân, si, vô minh, ái dục và vọng nghiệp.

Kết luận cho nhận định này ta có thể khẳng định; đạo Phật không bi quan, yếm thế; dù đạo Phật nói tới khổ đau. Đạo Phật cũng không lạc quan, dù đạo Phật nói tới Niết bàn. Đạo Phật chỉ khẳng định bản chất của cuộc đời đúng như bản chất của nó. Do đó, mọi quan điểm cho rằng đạo Phật bi quan; yếm thế là hết sức sai lầm; thể hiện cái nhìn thiên lệch và thiếu khách quan đối với đạo Phật.

4. Đạo Phật đi ngược lại quy luật tự nhiên vì chủ trương diệt dục.

Diệt dục là một vấn đề thường được tranh cãi trong các tôn giáo. Đối với đạo Phật, nhìn từ góc độ nào đó, vấn đề diệt dục tưởng chừng như quá hiển nhiên; nhưng trên thực tế không hẳn như vậy.
Trước hết có thể khẳng định ngay rằng đạo Phật không hề chủ trương diệt dục; do đó không thể nói Phật đi ngược lại quy luật tự nhiên. Không có luật lệ tôn giáo trong đạo Phật bắt buộc hay ngăn cấm một người phải lấy vợ lấy chồng hay sống một cuộc đời độc thân. Đức Phật chỉ khuyên dạy người cư sĩ nên giới hạn đời sống hôn nhân của mình thông qua tiêu chuẩn một vợ một chồng. Bởi vì, theo đức Phật, sự dan díu trong hôn nhân sẽ dẫn đến một đời sống đầy đau khổ; bất trắc – trái với mục tiêu hướng tới đời sống an lạc, hạnh phúc của đạo Phật.

Còn đối với người tu sĩ, tại sao họ sống đời sống độc thân không gia đình? Lý do là vì chỉ có đời sống độc thân mới có thể giúp cho họ có nhiều thời gian và năng lực cần thiết cho lý tưởng giác ngộ bản thân và chia sẻ an lạc, hạnh phúc với mọi người. Cứ tưởng tượng, làm sao một người có vợ có chồng, có con cái; với mọi thứ lo toan về cuộc sống lại có thể có đủ thời gian và năng lực cho một đời sống tâm linh cao nhất.

Do đó, cho rằng đạo Phật đi ngược lại quy luật tự nhiên vì chủ trương diệt dục là hoàn toàn phiến diện; không phản ánh đúng bản chất của Phật trong vấn đề này.
5. Đạo Phật chỉ dành riêng cho người già.
Đây càng là một sai lầm thường thấy, xuất phát từ thái độ tư duy hời hợt; thiếu khách quan của người nhận định.
Có thể, những người đó quan sát và thấy phần lớn người đến chùa thường là từ tuổi trung niên trở lên; nên đi đết kết luận như vậy. Đó là sự kết luận vội vàng, thiếu thái độ cân nhắc, thẩm tra. Thực tế đạo Phật không phân biệt tuổi tác; cũng không dành riêng cho bất kỳ cá nhân, nhóm, cộng đồng xã hội nào. Ai cũng có thể đến với đạo Phật; miễn là người đó có nhu cầu tâm linh ở Phật.
Tóm lại, có thể còn nhiều nhận định, đánh giá sai lầm về đạo Phật. Ở đây, trong phạm vi bài viết 5 Quan điểm sai lầm của người đời về đạo Phật và khả năng quan sát của mình; chúng tôi chỉ có thể đưa ra một vài quan điểm mà chúng tôi cho là phổ biến nhất. Hy vọng, với những phân tích như trên; bài viết nhận được sự đồng cảm ở mọi người. Mọi ý kiến đóng góp các bạn vui lòng để lại lời nhắn phía bình luận. Xin cám ơn!